Hội thảo nhằm mục tiêu tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, các nhà quản lý công bố nghiên cứu mới nhất liên quan đến mô hình quản trị rủi ro theo Basel II, thực trạng thể chế, chính sách và những tồn tại, vướng mắc của lộ trình áp dụng Basel II trong các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, hệ thống NHTM Việt Nam phải chủ động nhận thức và sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập để có thể biến những thách thức thành cơ hội, biến những khó khăn thành lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Việc áp dụng Basel II tại các NHTM Việt Nam là một xu thế phù hợp với yêu cầu hoạt động và quá trình hội nhập quốc tế.”

                                                                                                             

GS.TS Trần Thọ Đạt, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc tại Hội thảo. 

Kết quả từ các nghiên cứu gửi tới Hội thảo cho thấy, việc triển khai áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm được thực hiện như sau: Hầu hết các ngân hàng đã thành lập Ban quản lý dự án Basel II; tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đã cao hơn 10% (vượt so với quy định 9%) tuy vậy vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực; các NHTM rất nỗ lực để hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản trị rủi ro nhưng rủi ro về nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn; vấn đề khác biệt về chuẩn mực kế toán và công bố thông tin hiện tại so với chuẩn mực quốc tế. Các thách thức được nhận diện trong quá trình triển khai Basel II bao gồm: Nguồn nhân lực, tăng vốn chủ sở hữu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và chi phí đầu tư triển khai Basel II tại các ngân hàng.

Một số khuyến nghị trong việc triển khai Basel II được các nhà khoa học tham dự Hội thảo đề xuất bao gồm: Thứ nhất, đối với Quốc hội và Chính phủ, cần định hướng phát triển thị trường mua bán nợ, hoàn thiện hoạt động của công ty mua bán nợ. Thứ hai, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngoài các điều kiện về cơ bản đã có của môi trường pháp lý để thực hiện Basel II, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vấn đề bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng theo các chuẩn mực quốc tế, tăng cường năng lực tài chính của các NHTM; thực hiện lộ trình áp dụng Basel II tại các ngân hàng cùng với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Cuối cùng, đối với các NHTM, cần chú trọng nguồn nhân lực triển khai dự án Basel II tại các ngân hàng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin nhằm đảm bảo các thông tin tài chính được chuẩn hóa. Bên cạnh đó, cần có lộ trình rõ ràng để tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng; hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng chiến lược và chính sách quản trị rủi ro.

                                                                                                                       Theo www.qdnd.vn